Xây dựng trái phép “lợi lộc dữ lắm”, phải trị ngay đi
Xây dựng trái phép “lợi lộc dữ lắm”, phải trị ngay đi
“Để xảy ra xây dựng trái phép chắc chắn có tiêu cực. Cái này lợi lộc dữ lắm, các ổng nhắm mắt một phát kiếm 30-50 triệu đồng khỏe ru” - bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã nói như vậy trong cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Sở Xây dựng của TP này vào sáng 20-9.
Câu nói này, theo dư luận trong giới xây dựng, đã đi trúng vào vấn đề tiêu cực trong quản lý xây dựng hiện nay không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều tỉnh thành khác.
Xưa nay, trước việc không hoặc chậm phát hiện các sai phạm về xây dựng, cụ thể là xây dựng không phép và sai phép, người ta thường nghe “điệp khúc” muôn thuở là địa bàn rộng, lực lượng cán bộ chuyên trách mỏng và thiếu năng lực, kinh nghiệm...
Tôi cho rằng địa bàn rộng và lực lượng mỏng tuy dễ dẫn đến sơ sót trong kiểm tra, phát hiện một số công trình không phép hoặc sai phép, song không thể lọt nhiều vụ vi phạm như những gì diễn ra thời gian qua trên khắp các địa bàn cả nước. Đặc biệt, nếu nói thiếu kiến thức, kinh nghiệm để phát hiện thì e rằng không thuyết phục.
Cán bộ đội trật tự xây dựng nói chung ở nhiều địa phương hay quy tắc đô thị ở một số thành phố lớn chắc chắn không phải kiến trúc sư cũng không phải kỹ sư để đòi hỏi chuyên môn cao, ngược lại họ chỉ cần “nhìn được” bản vẽ để phát hiện sai phép và “con mắt sáng” để nhận diện công trình không phép.
Lại nữa, thực tế cho thấy nhà dân tuy ở trong hẻm nhỏ song hễ “rục rịch” một tí về xây dựng như nâng nền nhà hay sửa cái hàng rào cỏn con, vừa đổ vật liệu xuống là y như rằng cán bộ trật tự đô thị xuất hiện.
Vậy nên, dư luận đồng tình với cách nhìn nhận thẳng vấn đề rằng khi để xảy ra vi phạm về xây dựng thì chắc chắn có tiêu cực.
Nhưng tiêu cực không chỉ có trong xây dựng không phép và sai phép, mà còn ở chỗ người dân bị phiền hà, nhũng nhiễu khi đi làm hồ sơ về đất đai và xin giấy phép xây dựng.
Anh bạn của tôi là kiến trúc sư ở một thành phố lớn kể rằng tuy anh là người làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, biết rất rõ trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhưng khi anh thiết kế và xin phép xây dựng ngôi nhà của người thân vẫn bị hành đi lên đi xuống nhiều lần để bổ sung hồ sơ.
Anh cho rằng việc người dân bị hành khi xin phép xây dựng không nằm ở việc bản vẽ sai hay thiếu quy định hoặc thủ tục rườm rà, mà cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Tiêu cực trong quản lý xây dựng có thể xem là một trong những “căn bệnh” mãn tính của đô thị. Phát biểu của bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã như một chẩn đoán đúng cho căn bệnh, vấn đề còn lại - cũng là mong mỏi nhất của người dân - là làm sao trị dứt bệnh. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và sự quyết tâm xử lý tiêu cực của những nhà chức trách.
* Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bắt bệnh chính xác trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Vấn đề là cho thuốc như thế nào để đủ liều trị dứt bệnh? * Ông bí thư dùng từ “các ổng” đồng nghĩa với ám chỉ số nhiều nên phải phát hiện hoặc quy kết được nhiều trường hợp vi phạm! Nếu có vậy thì xử lý hết những người này chứ sao còn để họ tiếp tục làm việc? * Ít nhất thì phát biểu của ông bí thư cũng nói lên được rằng lãnh đạo có biết chuyện đó, còn xử lý thế nào thì phụ thuộc vào nhiều thứ. Tôi tin Đà Nẵng luôn đi đầu trong xử lý những chuyện như thế này. |
Chưa phát hiện cán bộ quy tắc đô thị nhận tiền? Chiều 21-9, ông Trần Văn Dũng, chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết trước đây sở có nhận được phản ảnh và thông tin từ người dân về việc có tình trạng tiêu cực của cán bộ quy tắc đô thị ở các quận huyện để cho việc xây dựng nhà trái phép. Để xử lý vụ việc cần phải có căn cứ, tuy nhiên đến nay thông tin đó mới chỉ dừng lại ở “thông tin dư luận phản ảnh” nên chưa có căn cứ để xử lý trường hợp nào. “Còn việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu là có tình trạng cán bộ quy tắc đô thị quận làm lơ để bỏ túi mấy chục triệu thì có thể tại thời điểm anh Xuân Anh còn công tác trên cương vị bí thư Quận ủy Liên Chiểu nên có thể nắm bắt được các vụ việc. Thực tế hiện nay, lực lượng cán bộ ở các đội quy tắc đô thị năng lực có hạn chế vì đa số họ không có chuyên môn đào tạo trong lĩnh vực xây dựng. Đây cũng là bất cập cần phải xử lý ngay, cần phải tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ có chuyên môn để xử lý các vấn đề phát sinh theo kịp quá trình phát triển đô thị” - ông Dũng cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoài, đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, cho biết sau phát biểu của bí thư Thành ủy, sáng 21-9 Quận ủy Liên Chiểu đã triệu tập ông đến họp để xử lý tình hình. Ngày 23-9, UBND quận Liên Chiểu sẽ triệu tập tất cả cán bộ quy tắc đô thị ở quận và các phường để quán triệt, siết chặt công tác quản lý. Theo ông Hoài, “đó chỉ mới là phát biểu của bí thư Thành ủy, còn thực tế thì không có chuyện cán bộ quy tắc đô thị nhận 30-50 triệu để làm lơ cho việc xây dựng nhà trái phép”. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi vậy tại sao nhà trái phép trên địa bàn quận vẫn tồn tại thì ông Hoài nói: “Bây giờ tôi bận họp cái đã, có việc gì tôi sẽ điện thoại báo cụ thể tình hình cho anh biết sau”. |